Thực ra từ “khởi nghiệp” như trong tiêu đề không đúng lắm so với khái niệm hiện nay. Mình có thể nói là: Mình đã kiếm những đồng tiền đầu tiên trong cuộc đời như thế nào? Nhưng mình nghĩ đây cũng như một dấu mốc trong cuộc đời, nên quyết định để như vậy.
Ở phạm vi bài viết này, mình sẽ nói về những công việc lao động chân tay mình đã làm thời học sinh, đó là trải nghiệm, là bài học, và cho mình nhiều sự thấu hiểu, đồng cảm với mọi người và nhiều ngành nghề trong cuộc sống này. Tới thời điểm này mình rất trân quý những trải nghiệm đó.
Những đồng tiền mình kiếm đầu tiên là từ việc “nhổ lông nách” cho bố mẹ, nhắc lại buồn cười quá, kể ra vậy thôi nhưng không tính nhé.
Công việc kiếm tiền đầu tiên trong những năm học sinh của mình là bẻ vải thuê. Vào hè năm lớp 8, lớp 10 và lớp 11 mình tới huyện Lục Ngạn, Bắc Giang để làm thuê ngắn ngày.
Hồi đó mọi người cứ bảo, bố mẹ giáo viên có thiếu tiền đâu mà phải đi làm thuê, mình chỉ trả lời là cháu thích đi. Nhưng đâu biết được, mình rất muốn ra ngoài để thoát khỏi không khí nặng nề và nhức đầu trong nhà, và cũng có thêm tiền tiêu vặt.Mẹ không để mình thiếu gì cả nhưng mình nhất quyết xin đi bằng được.
Các bạn biết đấy, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang là nơi nổi tiếng về vải thiều. Loại quả này chín nhanh và cần thu hoạch nhanh, lại đúng vào dịp hè. Hầu như gia đình nào ở đây cũng trồng rất nhiều vải, nên nhu cầu thuê người làm rất nhộn nhịp trong khoảng thời gian này.
Năm đầu tiên đi hồi hè lớp 8, mình cùng vài bạn và cô, bác trong làng bắt xe ô tô đến Lục Ngạn. Có những người mà trước đã từng làm thì nếu chủ cũ tốt thì tiếp tục sang năm lại quay lại, nếu chủ cũng quý người làm thì đến mùa vụ cũng gọi điện để tới làm. Nếu không thì chỉ cần xuống xe thôi, rất nhiều chủ tìm người làm. Thường họ sẽ xem ai khỏe mạnh là chọn, và cả hai cùng thương lượng giá cả, nếu đồng ý là chốt về nhà. Rất hay và nhanh chóng.
Tùy vào số lượng vải thiều mà thuê từ 2-6 người hoặc hơn. Bạn sẽ làm việc cùng những người trong gia đình. Hoặc một hình thức khác là thuê khoán, phù hợp với con trai, tức giao chỉ tiêu số lượng trong một đơn vị thời gian.
Buổi sáng thường sẽ phải thức dậy từ 4h30 sáng, vệ sinh cá nhân tới 5h, ăn sáng xong là 5h30 bắt đầu công việc bẻ vải, tuốt lá, buộc. Tầm 10h là có các chuyến xe chở vải ra huyện bán. Trưa tầm 12h có thể nghỉ về nấu ăn hoặc được nấu ăn cho, ăn rồi nghỉ trưa tầm 1h30-2h lại bắt đầu công việc. Tối thì nghỉ tắm rửa, ăn cơm, cũng có lúc làm cả tối cho đủ chuyến, số lượng ngày hôm đó. Thường thì 10h -11h bạn sẽ đi ngủ. Cả ngày làm mệt bơ phờ, được đặt lưng xuống giường thật là đã.
Thường thì, nếu người làm là nam sẽ phải trèo cây chặt vải, nữ chỉ cần ngồi tuốt lá và bó vải. Nhưng nam nữ đều làm và phải làm được hết các công việc đó. Việc này thực sự muốn lột tay. Bạn cứ tưởng tượng đi, nếu không quen làm nông thì tay sưng vù, sần sùi, nhìn không như bàn tay thường ngày của mình nữa và nó khá là đau đớn. Mỗi đợt đi về, mình phải mất một thời gian bong da, tróc vẩy nó mới đỡ. Bàn tay mình cũng làm vườn nữa nên nó cũng chai sạn đấy. Mà kể cả quen với việc chân tay, thì sau một kỳ bẻ vải tay bạn cũng tổn thương rất nhiều dù có đeo găng tay.
Năm 2008 đó, giá mình làm là 50k/ ngày, bao ăn ở. Mình nhớ đợt đó mình được 650k, ôi đó là số tiền đầu tiên mình kiếm được đấy các bạn ạ. Sướng khủng khiếp, nhưng cũng cực kỳ vất vả, vì mình cũng đang là học sinh, học là chủ yếu, làm vườn ở nhà là ngoài giờ học và cũng không cực như này.
Hồi đó đi làm mình rất vui, vì tinh thần thoải mái, có làm cùng “crush” của mình nữa, và có vài người bạn thân nên dù có lạ cũng không cảm thấy cô đơn, có mệt cũng vẫn cảm thấy mình chịu được.
Việc làm này rất mệt, như vắt kiệt sức lao động, làm như một con rô-bốt, vì phải nhanh cho kịp mùa vụ, không thì vải chín quá sẽ không được giá. Nhưng đó là trải nghiệm đắt giá trong cuộc đời của mình. Dù vất vả nhưng vui và cũng may vì nó ngắn hạn, và là một trải nghiệm hữu ích trong những ngày tháng còn ngồi trên ghế nhà trường. Kiếm tiền không dễ và thực sự vất vả, cảm thấy thương người mẹ tần tảo của mình hơn.
Nếu gia đình chủ mình làm đã thu hoạch xong, bạn muốn làm tiếp thì có thể nhờ hỏi còn nhà nào thuê thì sẽ tiếp tục. Đôi khi có những nhà rất nhiều vải nhưng nhân công không đủ làm nên vẫn thuê thêm liên tục cho hết mùa vụ. Bạn sẽ được nhận tiền công trước khi về.
Hè lớp 10 mình lại tiếp tục đi làm ở ngôi nhà đầu tiên mình đã làm, vì cả gia đình đều là người tốt nên mình yên tâm, dù gia đình làm khá nhiều và năng suất. Năm đó còn được đi gặt một hôm nữa. Thù lao mình nhận được là 860k trong vòng 2 tuần.
Hè năm lớp 11 mình làm ở nhà khác, được hơn 1,6 triệu. Cầm tiền sung sướng lắm, thật luôn. Về đổi ngay một chiếc xe đạp mới màu hồng hơn 1,1 triệu, còn lại hình như có đưa mẹ. Vậy là năm cuối cấp có xe đạp mới đi học, chiếc xe đó giờ hơi cũ kỹ nhưng vẫn sử dụng được, là một kỉ niệm tuổi thơ đáng nhớ.
Sau này mình biết đến chương trình thực tập sinh nông nghiệp ở Israel, đã tìm hiểu và có ý định đi nhưng vẫn chưa có cơ hội.
Mình chịu cực được nếu nó xứng đáng, và không ngại việc chân tay. Và nó cũng là động lực khiến mình nghĩ phải học thật giỏi để có nhiều lựa chọn sau này hơn.
Có một điều thú vị là làm ở đây bạn ăn vải thoải mái, nhưng làm liên tay cũng không có nhiều thời gian ăn. Hết gốc này lại đến gốc khác, thoăn thoắt, chủ nhà nhanh tay mình cũng không thể chậm được. Rảnh thì ăn, nói chung là khá thích thú với trải nghiệm mà giờ đây mình dùng từ “Trải nghiệm xinh xắn” cho đáng nhớ, còn thực tế cực lắm nha, không hẳn ai cũng làm được.
Nhà cũ mình cũng có mấy cây vải cực kỳ sai quả và ngon, nhưng giờ không còn rồi. Chắc từ giờ cũng không có lần nào mình có thể có trải nghiệm với công việc “bẻ vải thuê” như này nữa, trừ khi mình làm dâu một nhà chủ vựa vải.
Công việc thứ hai là sau khi thi đại học xong trong lúc chờ điểm thi, mình đi làm công nhân. Quê ngoại mình ở Hải Dương và có rất nhiều khu công nghiệp. Có chị mình làm ở đấy, nên mình dễ dàng và yên tâm xin đi làm. Mình phỏng vấn và vào làm việc với hình thức thử việc tại công ty Brother Việt Nam – một công ty sản xuất máy in. Dây chuyền mình đứng là thành phẩm, vị trí kiểm tra các thông số của máy in: hơn 1 phút phải kiểm tra hơn 80 thông số kỹ thuật của một máy in.
Brother là một công ty của Nhật Bản, là nhãn hiệu cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho thị trường in ấn, in nhãn và may thêu. Sản phẩm chính bao gồm: máy in, máy đa chức năng, máy fax, máy scan, máy in nhãn, máy may công nghiệp và máy may gia đình. Chắc cũng khá thân thuộc với mọi người nếu có sử dụng các sản phẩm này. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bạn có thể làm đơn xin việc nộp vào đây và phỏng vấn ứng tuyển.
Hồi đó mình phỏng vấn xong là hẹn ngày bắt đầu đi làm, thử việc 2 tháng. Tác phong làm việc rất chuyên nghiệp, đúng giờ giấc, quy củ. Và đó cũng là hình thức thường thấy ở các công ty trong khu công nghiệp. Bạn sẽ có thời gian học việc, thử việc, được phát đồng phục gồm quần áo, mũ và giày có cách điện. Mình hồi đó chỉ làm ca ban ngày, nhưng có nhiều người làm 2 tuần ca ngày và 2 tuần ca đêm xen kẽ như vậy. Thực ra nếu làm đêm thì việc nhàn hơn và có phần thoải mái hơn, nhưng việc thay đổi giờ giấc sinh hoạt cũng khá mệt mỏi với những ai chưa quen hoặc sức khỏe yếu.
Giờ vào làm là 8h, nhưng bạn cần thay đồ, chấm công trước giờ đó. Khoảng 10 phút trước giờ làm việc sẽ có bài tập thể dục buổi sáng xếp theo chuyền, sau đó tổ trưởng sẽ chỉ đạo đầu giờ phân công công việc, nêu ra các tồn đọng của ngày làm việc hôm qua để xử lý.
Giờ làm việc luôn chuẩn đến từng giây. 12h trưa sẽ được nghỉ và xếp hàng đi ăn trưa. Khu nhà ăn công ty rất rộng và sạch sẽ, thường thì các cán bộ nhân viên ăn một khu, và công nhân một khu. Thực đơn thì thay đổi theo ngày, nhiều đồ ăn, nên không sợ thiếu, chỉ sợ ăn mãi thì chán. Có cơm, bún, phở….bạn có thể tự chọn và nói với nhà bếp khi đến lượt lấy đồ ăn của mình. Vì thời gian nghỉ chỉ có 1 tiếng, nên phải ăn nhanh mới kịp, nên mình đoán là có nhiều người sẽ bị bệnh dạ dày. Sau khi ăn thì tự dọn khay, thìa, dĩa…của mình theo khu vực phân loại và về nghỉ trưa tại đúng vị trí mình làm việc. Ngủ chắc được 10-15 phút là tiếp tục công việc buổi chiều từ 1-5 giờ. Nếu bạn muốn đi vệ sinh cần nhờ chị tổ trưởng hoặc tổ phó làm thay thế, vì chuyền chạy liên tục, không phải mình muốn đi lúc nào cũng được. Trước 15 phút chuẩn bị hết giờ làm thì phải kết thúc công việc ngày hôm đó và dọn dẹp tại chỗ, xếp hàng và ra về. Nếu có tăng ca, sẽ được ăn bữa phụ vào lúc 6h tối, thường là bún phở, hoặc cũng có cơm, và sau đó làm đến 9h tối.
Hồi đó mình làm là đứng cả ngày và cúi mặt kiểm tra máy in. Trong đúng thời gian đó phải kiểm tra xong, nếu không máy mới lại đến theo dây chuyền sẽ bị tắc chuyền. Đối với vị trí thử việc, thi thoảng bạn sẽ được cài máy lỗi vào xem có phát hiện ra không. Với trường hợp mình thì có lần có, có lần mình không phát hiện ra. Và chị tổ trưởng hoặc nhân viên người Nhật sẽ thỉnh thoảng đứng cạnh quan sát mình làm việc, cũng khá là rén các bạn ạ.
Mình có đăng ký ở ký túc xá. Tại đây phòng ngủ từ 4-8 người, có máy giặt, nhà vệ sinh, nhà tắm chung. Ngoài ra công ty còn có khu vui chơi giải trí cho cán bộ, công nhân viên khá là hay ho, mình đã được sử dụng rồi.
Đây cũng là lần đầu tiên mình được làm thẻ rút tiền ATM của ngân hàng Vietcombank, lần thử sức công việc này chỉ hơn 1 tháng, và mình được nhận lương 2 lần với tổng số tiền là gần 4 triệu đồng.
Ở đây mình cũng quen biết thêm một số người bạn, người chị, được nghe thêm nhiều câu chuyện từ mọi người từ nhiều vùng miền, tại Hải Dương, hoặc từ các tỉnh miền núi khác tới làm việc.
Làm công nhân không khó, nhưng cũng vất vả, và công việc đều đặn, lặp lại. Nhưng tạo rất nhiều công ăn việc làm cho người dân, cho các bạn trẻ, mức thu nhập ổn định, nếu có gắn bó sẽ tăng dần đều và có thể thăng chức dần lên. Các bạn trẻ nếu tốt nghiệp THPT xong không tiếp tục đi học thì có thể đi làm công nhân vài năm để tích lũy vốn rồi khởi nghiệp, hoặc học nghề, hoặc đi theo những dự định khác khá tốt. Lao động thật sự rất trân quý, công việc nào cũng có những cái vất vả riêng.
Mình nhận được nhiều bài học về tác phong làm việc của người Nhật, về khía cạnh lao động tại Khu công nghiệp, trải nghiệm là một người công nhân….rất nhiều bài học đáng nhớ, mà có lẽ cũng không có nhiều người được trải nghiệm như vậy. Cảm ơn vì những cơ hội và những trải nghiệm, cũng như sự cố gắng, không ngại gian khổ trong từng mốc thời gian của mình.
Đó là câu chuyện về những lần “khởi nghiệp”, những đồng tiền mình kiếm được khi còn là học sinh.
Hẹn gặp lại các bạn ở các phần tiếp theo với các công việc thời sinh viên nhé.
Thương!
Leave a Reply