Trekking Núi Cha “Everest xứ Lạng”
Núi Cha (tên địa phương là Phia Pò) và núi Mẹ (Phia Mè, Mẫu Sơn) có chiều cao lần lượt là 1.541 m và 1.520 m. Trong đó, núi Cha là “nóc nhà” của tỉnh Lạng Sơn nên được mệnh danh là “Everest xứ Lạng”, thuộc địa phận huyện Lộc Bình.
Đây là lần đầu tiên mình đi trekking như thế này và tại quê hương, ngay gần nhà mình. Là dân bản địa mà giờ mới biết, thật là thiếu sót. Không nghĩ có một nơi đẹp như thế, nó còn giữ được nét hoang sơ hoang dã, cực kỳ tự nhiên. Không hề có sự chuẩn bị trước, nên vừa ngỡ ngàng với cảnh đẹp, vừa bất ngờ với sự hơi hiểm trở của nó.
Với địa hình đa dạng cùng độ cao 1.541m, đỉnh Phia Pò – núi Cha thuộc top những cung đường phượt đẹp nhất Việt Nam (báo viết thế không biết có đúng không?). Khung cảnh thiên nhiên nơi đây vẫn giữ được nét hoang sơ, nguyên vẹn hiếm có. Đặc biệt là trên đường chinh phục đỉnh núi, sẽ được trải nghiệm “sống lưng khủng long” – tức là cung đường mòn với vách núi hiểm trở 2 bên.
Mình đã được đi qua cung đường đi bộ đẹp nhất Việt Nam (cũng là báo viết hehe), băng qua rừng nguyên sinh, rừng trúc, rừng đỗ quyên cổ thụ… Mình còn được chiêm ngưỡng những thảm cỏ cháy, hay cây lá vàng lãng mạn rộng khắp chân trời.
Sau chuyến đi này, mình rút ra một số kinh nghiệm như sau:
- Trekking cung này cần có thể lực khá tốt trở lên. Mình leo mà cũng bị thở dốc, dù bình thường cũng có tập luyện. Có người cũng đã bỏ cuộc.
- Trang bị một số đồ giữ ấm cho cơ thể như: áo gió (lên đỉnh rất lạnh), mũ (che nắng), miếng dán nhiệt khi bị lạnh, găng tay (tránh dị ứng trong rừng)
- Nên chuẩn bị một đôi giày leo núi chắc chắn, có độ ma sát để dễ dàng di chuyển. Mình đã không chuẩn bị trước nên dùng giày chạy bộ. Kết quả là bị trượt chân khá nhiều khi xuống núi, tổn thương một bên đầu gối, và bác sĩ không cho tập thể thao một thời gian.
- Nên tìm cho mình người dẫn đường là dân bản địa hoặc người có kinh nghiệm để tránh bị lạc trong rừng.
- Chuẩn bị đồ ăn, đồ uống mang theo. Khi ăn uống xong nhớ cầm theo rác mang về để giữ gìn vệ sinh môi trường.
Mình bắt đầu đi từ chân núi lúc 8h sáng, lên đến đỉnh là 12 giờ trưa. 1 tiếng đồng hồ ăn uống và chụp ảnh, không nghỉ ngơi. 1 giờ chiều bắt đầu xuống núi, tới 6 giờ tối về đến nhà. Vậy là hết nguyên 1 ngày cho cung này.
Khi leo lên núi, chúng ta tốn sức lực để lên và vượt qua vài đoạn hiểm trở.
Khi xuống núi dốc, nhiều cỏ trơn nên rất dễ bị trượt, cũng khó đi nếu không quen, vì một số địa hình dốc. Dù không tốn sức nhưng xuống phải cẩn thận, tránh đau mũi chân, đầu gối hoặc căng cơ, chuột rút.
Đối với người trekking hoặc vận động tập luyện thường xuyên thì cung này “easy” thôi.
Trước khi đi mình đã dãn cơ, khởi động trước, và cũng có tập luyện thể thao khá đều đặn trước đó. Nhưng qua lần này, mình thấy cần tập luyện chăm chỉ hơn, nâng cao thể lực tốt hơn, và kèm theo đó chuẩn bị kĩ càng trước khi trekking, không được chủ quan. Nó không giống như leo đồi hay núi để hái củi như mình hồi xưa.
Đây cũng là một trải nghiệm rất vui và thú vị với mình.
Các bạn có thể thử nhé, cùng xem một số hình ảnh khác của mình nha. Tận mắt thấy sẽ cực đẹp, ảnh của mình chụp thì chụp người là chủ yếu và không thể diễn tả hết được niềm vui khi trekking cung này:
Các hình ảnh trên không đủ để diễn tả vẻ đẹp của núi rừng NÚI CHA. Hân hạnh kính mời anh chị cô dì chú bác các bạn đến leo thử để trải nghiệm và đánh giá. Tuy nhiên, em không nhớ đường, không thể dẫn đi được. Lần sau có dịp em sẽ đi tiếp. Hẹn gặp lại!
Leave a Reply